Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Con đã lớn rồi!


Trường thông báo đến nhận lớp, nhận cô.
Mẹ và con đến trường, mẹ thì bồi hồi nhớ lại cách đây 29 năm, cũng ngôi trường này mẹ cắp sách đến trường, còn con, mẹ đoán là con hồi hộp và lạ lẫm lắm!
Mẹ dẫn con đến lớp 1C, cô giáo đã đứng đợi trong lớp, các bạn đến chưa đủ, con ngập ngừng, mẹ phải nhắc con đi vào lớp và ngồi vào bàn đi nhé.
Cậu con trai cao lớn, chắc khỏe nhưng đối với mẹ, con vẫn bé bỏng lắm. Con vào dẫy bàn bên trong, ngồi vào bàn thứ 4 và quay ra nhìn mẹ. Mẹ mỉm cười để con yên tâm, mẹ mong luôn ở bên con.
Lớp của con có 58 bạn, đông quá nhỉ! Cửa lớp có nhiều bố, mẹ, ông bà đưa các bạn đến lớp nên mẹ đứng lùi ra xa chút nhưng mẹ vẫn nhìn thấy con. Mỗi khi nhìn vào, mẹ lại thấy ánh mắt của con nhìn ra cửa, cứ như con không tập trung nghe cô nói vậy.
Rồi thời gian làm quen với cô giáo, làm quen với cách ngồi và cách chào cô cũng qua. Cô giáo dặn dò và chào các con. Giữa đám đông các con chen nhau chạy ra cửa, mẹ gọi tên con mấy lần con mới nghe thấy vì đông quá. Ánh mắt ngơ ngác, dáo dác tìm mẹ. Cảm xúc trào dâng, mẹ chỉ muốn chạy lại ôm con thật chặt! Con nói con toàn nhìn ra cửa tìm mẹ, con chỉ sợ mẹ đi mất. Con trai ơi, con đã lớn rồi đấy, học sinh lớp 1 rồi đấy. Hãy vững bước con nhé! Bố mẹ luôn bên con.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

English - first words

Cùng học Thực hành Hoa Hồng nhưng lớp Ben là lớp edu nên khác lớp anh Bin. Lần đầu tiên, cô phản hồi về Ben ở lớp: TM nghịch lắm, chạy khắp nơi, thày giáo người nước ngoài cũng không sợ! Nghe thế, mẹ mới chợt nhớ ra là Ben được học cả Tiếng Anh nữa.
Một hôm, mẹ hỏi Ben là ở lớp, con có học Tiếng Anh không? Ben bảo là không ạ. Hic, mẹ biết là con trai mẹ mải chơi và cũng chưa quen môi trường mẫu giáo nên vẫn vô tổ chức, mải chơi đây mà.
Một hôm khác, mẹ hỏi Ben: Hôm nay, con có học Tiếng Anh ở lớp không? Con có gặp thày giáo "Tây" không? Ben trả lời rằng "c(h)ó", mẹ mừng quá và hỏi tiếp: Con học từ gì rồi nào, Ben nói cho mẹ học với nhé? Ben làm một tràng thế này (có giai điệu của một bài hát):
Hello! How are you? Hello! How are you? Hello! How are you? 
I am great, I am fine, I am OK, I am wonderful today!
Ben vừa hát vừa làm điệu bộ rất ngộ nghĩnh, khuôn mặt rất phấn khởi. Mẹ nghe mà vui trào nước mắt. Ôi, con trai bé bỏng của tôi!
Sau hôm đó, mỗi khi có bài Tiếng Anh ở lớp là cô lại gửi cho Ben mang về một tờ tranh có hướng dẫn cách cho con học Tiếng Anh ở nhà, mẹ và Ben rất hào hứng học Tiếng Anh nhé.

12 cách nói để bé nghe lời

Một trong những cách dạy con ngoan là cha mẹ cần biết nói chuyện với bé. Cách bạn giao tiếp với con cũng chính là thói quen bé dùng để nói chuyện với người khác.


Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn dạy con biết vâng lời:

1. "Khi nào... thì"

“Khi nào con đánh răng xong thì mẹ sẽ đọc truyện cổ tích cho con” hoặc “Khi nào con vẽ xong thì mẹ sẽ cho con xem hoạt hình”. Từ “khi nào” ngụ ý đó là công việc bé cần hoàn thành và mang nghĩa tích cực hơn so với khi dùng từ “nếu”.

2. "Chân trước, miệng sau"

Thay vì đứng ở xa, hét lên: “Tắt tivi đi Bom, đến giờ cơm rồi”, bạn có thể đi vào căn phòng nơi bé đang xem tivi, tham gia với sở thích của bé trong vài phút. Sau đó, thương lượng để bé tắt tivi, đứng dậy ăn cơm. Được mẹ tâm lý sẽ giúp bé thích làm theo yêu cầu của mẹ mà ít chống đối hơn.

3. Hãy cho bé lựa chọn

“Con thích thay đồ ngủ hay đánh răng trước” hoặc “Con thích mũ màu đỏ hay mũ màu xanh?”.

4. Đừng hỏi khó

Bé càng ít tuổi thì yêu cầu của mẹ phải càng ngắn và đơn giản. Hãy xem xét mức độ hiểu biết của bé nhà bạn dựa trên độ tuổi. Ví dụ, lỗi phổ biến của cha mẹ là hỏi bé 3 tuổi: “Sao con làm thế?” (đôi khi người lớn còn không thể biết vì sao). Thay vào đó, hãy hỏi: “Kể cho mẹ xem con đã làm gì?”.

5. Trực tiếp

Trước khi bạn yêu cầu bé làm việc gì, bạn hãy ngồi xổm để tầm mắt của mẹ ngang với tầm mắt của bé. Như thế, bạn mới thu hút được sự chú ý của con. Đồng thời, cách này còn giúp bé tập trung vào những điều mẹ sắp nói. Tuy nhiên, bạn cần tránh nhìn con bằng ánh mắt giận dữ vì như thế, bé sẽ sợ hãi tới mức chẳng dám nhìn vào mắt mẹ.

6. Gọi tên

Khi đề nghị bé, bạn hãy gọi tên; chẳng hạn: “Tina, lấy hộ mẹ cái cốc”.

7. Nguyên tắc từng câu một

Nghĩa là bạn chỉ nên yêu cầu con làm một việc một lúc. Bạn càng “dông dài” với các yêu cầu, bé nhà bạn càng có xu hướng “giả điếc”. Nói quá nhiều là sai lầm phổ biến của cha mẹ khi đối thoại với con về một chuyện.

8. Hãy đơn giản

Cần sử dụng câu ngắn với ngôn ngữ mà bé hiểu được. Bạn hãy nghe cách các bé trò chuyện với nhau và tìm hiểu ngôn ngữ của bé. Khi nói với bé, bạn cần chắc là bé đã hiểu rõ.

9. Để bé nhắc lại yêu cầu của mẹ

Nếu bé không nhắc được tức là yêu cầu của mẹ quá dài và quá phức tạp.

10. Đưa lợi ích để bé không từ chối

Bạn có thể phải cãi cọ với bé 2-3 tuổi nhà mình về việc chọn quần áo nhưng nếu bạn gợi ý: “Con mặc áo dài tay này vào và mẹ con mình sẽ ra ngoài chơi” thì mọi chuyện sẽ khác. Đưa ra lợi ích cho bé khiến yêu cầu của mẹ có sức nặng hơn. Đó là lý do bé không muốn từ chối mẹ.

11. Hãy tích cực

Thay vì nói: “Không làm ồn ở đây”, bạn có thể gợi ý: “Con hãy về phòng mình vui chơi đi”.

12. Bắt đầu "chỉ thị" của bạn với "mẹ muốn"

Thay vì “Bỏ con dao xuống”, hãy nói “Mẹ muốn con bỏ dao xuống”; thay vì: “Hãy cho Sam mượn đồ chơi”, bạn nói: “Mẹ muốn con cho Sam mượn đồ chơi”. Điều này hợp với tâm lý phát triển của bé: muốn làm mẹ vui nhưng ghét bị ra lệnh.
Viet Bao (Theo M&B)

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Lủi thủi

     Mẹ bảo: "Ben sang bà Bắc chơi mấy hôm các cô giáo "đi công tác" nhé" rồi đinh ninh rằng Ben sẽ chối như mọi lần "Ben không sang bà Bắc đâu, Ben đi học cơ" nhưng Ben lại đồng ý sang bà Bắc trong sự ngạc nhiên của mẹ.
     Gửi bà Bắc từ khi tròn 1 tuổi, Ben đã quen với nếp ăn ở nhà bà Bắc. Thời gian trước khi đi học mẫu giáo, Ben nghịch quá nên chắc là bị bà và bác mắng, cu cậu không thích đến nhà bà Bắc nữa. Cũng may, đã đến lúc Ben phải đi học mẫu giáo, xin học khó khăn, mẹ tính nếu năm nay không xin được học cho Ben thì ở HH thì vẫn gửi Ben ở nhà bà Bắc, may mà cũng xin được cho Ben đi học. Dạo đầu, Ben chưa quen cô, chưa quen lớp và các bạn, lại quen thói bắt nạt anh Bin và mọi người như ở nhà nên chắc Ben cũng bị cô nhắc nhở nhiều. Cậu chán đi lớp! Mặc dù vậy, Ben vẫn lựa chọn đi học mỗi khi mẹ bảo nếu Ben không đi học thì mẹ lại gửi Ben ở nhà bà Bắc.
     Lẽ ra, nghỉ hè một tuẩn, Ben sẽ được sang ông bà ngoại chơi nhưng mẹ không muốn Ben sang ông bà vì anh Bin cũng ở bên đó, và khi nào có hai anh em là y như rằng ầm ĩ vì tranh đồ chơi, khóc lóc ăn vạ. Kể mà con không bắt nạt anh và anh Bin biết chơi với em thì đã khác nhỉ. Nghĩ đến đó là mẹ lại ứa nước mắt. Hai đứa con, một đứa được sang ông bà ngoại, được chơi, được chiều còn một đứa lại đi gửi trẻ cứ như thể phân biệt chủng tộc ấy.
     Sáng, mẹ đèo Ben đến bà Bắc, bác Tươi ra đón, Ben không khóc như mọi khi mà chào bác, quay ra chào mẹ, chào anh rồi lẩn vào bóng tối (ở ngoài sáng hơn trong nhà) như thể con chấp nhận cái chuyện không công bằng đó. Mẹ cứ hay nghĩ, phải không? Con có nghĩ gì đâu, chỉ có mẹ cứ nghĩ mọi chuyện phức tạp lên thôi mà. Nhìn dáng người nhỏ bé, im lặng, lủi thủi của con mà mẹ thương con quá! Con ngoan nhé, chiều mẹ đón con! Yêu con nhiều!

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Mẹ đừng buồn nhé, Ben ngoan rồi

Có một hôm, Ben dậy rất sớm. Ben gọi: "Bố ơi, sáng rồi, bố dậy đi", bố thấy vẫn sớm nên bố... ngủ tiếp. Ben gọi: "Mẹ ơi, mẹ dậy đi" và Ben lồm cồm bò dậy. Mặc dù còn sớm và vẫn buồn ngủ nhưng mẹ cũng dậy cùng Ben.
Mẹ ngồi trên bệ cửa sổ và uể oải như còn muốn ngủ tiếp, các cơn ngáp kéo đến làm nước mắt mẹ chảy ra. Mẹ chưa kịp lau mắt thì Ben nhìn thấy, Ben nhìn vào mắt mẹ, nhìn vào giọt nước mắt và hỏi: "Mẹ ơi, mẹ khóc à?" Mẹ bất ngờ chưa biết giải thích sao cho Ben vì chẳng lẽ lại nói là mẹ ngáp nên có nước mắt??? Ben lấy tay lau nước mắt cho mẹ, đôi mắt nhìn mẹ đầy trìu mến và nói: "Mẹ đừng buồn nhé, Ben ngoan rồi". Mẹ xúc động và ôm Ben vào lòng. Ôi, con trai của tôi!